Thủ tục nhập khẩu thép cuộn, thép ống... (tháng 9/2024)
Thủ tục 08 Tháng Giêng 2024

Thủ tục nhập khẩu thép cuộn, thép ống... (tháng 9/2024)

Nhập khẩu các mặt hàng tôn-sắt-thép cần những thủ tục giấy tờ gì? Quy trình thực hiện thông quan cho những loại hàng vật liệu này như thế nào? Quy định hiện hành cho dòng sản phẩm này ra sao...?

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thủ tục nhập khẩu thép các loại trong bài viết này. Ở đây chỉ thảo luận thủ tục cho hàng thép mới. Đối với hàng đã qua sử dụng thì cần làm các thủ tục đối với hàng thép phế liệu (phức tạp hơn), và cần có giấy phép nhập khẩu.

Vài nét về thép nhập khẩu

Trong nhiều năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam tăng lên đáng kể. Chủng loại thép nhập khẩu khá đa dạng, phổ biến như:

  • Thép cuộn cán nóng (Hot Rolled Coil - HRC)
  • Thép cuộn cán nguội (Cold Rolled Steel)
  • Tôn mạ kẽm nhúng nóng (Hot Dip Galvanized Steel)
  • Thép dây cuộn (Wire Rod Coil)
  • Thép ống (Steel Pipe)
  • Thép tấm (Steel Plate)
  • Thép hình (Section/Shape steel), v.v...

Các nguồn xuất khẩu vào Việt Nam cũng khá đa dạng, nhưng chiếm tỉ trọng lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Vinalogs hiện đang phục vụ khách hàng xuất nhập khẩu nhiều chủng loại như thép cán nóng (HRC), tôn mạ, thép dây, thép vòng, thép tấm, ống thép...

Vinalogs làm thủ tục lô hàng thép dây nhập khẩu về cảng Hải Phòng

Công bố tiêu chuẩn đối với việc nhập khẩu mặt hàng thép

Công bố tiêu chuẩn áp dụng cho thép nhập khẩu là một quá trình quan trọng đối với việc nhập khẩu sản phẩm thép mới. Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN, nhà nhập khẩu cần thực hiện việc "công bố tiêu chuẩn áp dụng và áp dụng phương pháp thử nghiệm không phá hủy."

Sau khi tự công bố tiêu chuẩn áp dụng, thông tin này sẽ được sử dụng cho công bố hợp quy và tự đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng trong quá trình kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu.

Cụ thể, với các loại thép được phân loại theo Mã HS quy định tại Phụ lục II của Thông tư 58, quy trình công bố áp dụng như sau:

  • Sử dụng tiêu chuẩn cơ sở để công bố áp dụng. Tiêu chuẩn cơ sở này phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật không thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc gia tương ứng của Việt Nam, nếu có. Nếu chưa có tiêu chuẩn quốc gia, thì tiêu chuẩn cơ sở cũng không được thấp hơn yêu cầu kỹ thuật quy định tại tiêu chuẩn quốc tế.
  • Đối với các loại thép phân loại theo mã HS quy định tại Phụ lục III của Thông tư 58, cần sử dụng tiêu chuẩn quốc gia tương ứng của Việt Nam hoặc của nước xuất khẩu để công bố.
  • Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các chỉ tiêu cơ bản của sản phẩm thép như kích thước, ngoại quan, cơ lý, và hóa học. Cụ thể:

Chỉ tiêu kích thước, ngoại quan và cơ lý bao gồm đường kính/chiều dày, chiều rộng, chiều dài, bề mặt, mép cán, giới hạn chảy, giới hạn bền kéo, độ giãn dài tương đối, và các chỉ tiêu khác phù hợp.

Chỉ tiêu hóa học bao gồm hàm lượng của các nguyên tố như C, Si, Mn, P, S, và đối với thép không gỉ, Cr, Ni; đối với thép hợp kim, cần công bố hàm lượng của ít nhất một nguyên tố hợp kim.

Trình tự thực hiện thủ tục công bố tiêu chuẩn áp dụng cho thép nhập khẩu được xác định theo quy định về công bố tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN.

Công bố hợp quy đối với mặt hàng thép nhập khẩu

Quy trình công bố hợp quy cho thép nhập khẩu liên quan đến mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2, được quản lý bởi Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN). Sau khi hoàn thành công bố tiêu chuẩn áp dụng, bước tiếp theo là thực hiện công bố hợp quy cho sản phẩm thép, tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn đã được áp dụng.

Công bố hợp quy là một yêu cầu bắt buộc để đăng ký kiểm tra chất lượng từ cơ quan nhà nước đối với sản phẩm thép nhập khẩu. Công bố hợp quy có thể dựa trên kết quả tự đánh giá của doanh nghiệp nhập khẩu hoặc thông qua kết quả đánh giá từ tổ chức đánh giá đã đăng ký.

Hồ sơ công bố hợp quy bao gồm các thành phần sau:

  • Bản công bố hợp quy, theo Mẫu 2 quy định tại Phụ lục III của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, và nội dung bổ sung quy định tại Khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN.
  • Báo cáo tự đánh giá, bao gồm các thông tin sau:
    • Tên tổ chức, cá nhân, địa chỉ, điện thoại.
    • Tên sản phẩm, hàng hóa.
    • Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật.
    • Kết luận về sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với quy chuẩn kỹ thuật.
    • Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và kết quả tự đánh giá, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn công bố áp dụng.
  • Báo cáo tự đánh giá dựa trên kết quả tự thực hiện của doanh nghiệp tại phòng thí nghiệm đã đăng ký hoặc dựa trên kết quả đánh giá từ tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký, như Quatest 1, Quatest 3, Vinacontrol và các tổ chức giám định tương tự.

Kiểm tra chất lượng hàng thép nhập khẩu

Kiểm tra chất lượng của thép nhập khẩu trước đây được thực hiện thông qua thủ tục kiểm tra chất lượng (viết tắt là KTCL) theo quy định của Thông tư 58. Thủ tục này bao gồm hai bước chính như sau:

  • Bước 1: Đánh giá sự phù hợp về chất lượng của thép do tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện.
  • Bước 2: Kiểm tra chất lượng đối với thép nhập khẩu do cơ quan nhà nước thực hiện.

Đối với các mặt hàng thép được phân loại theo mã HS tại mục 2 Phụ lục III của Thông tư 58, bao gồm thép hợp kim có mã HS 7224100072249000, quy định thêm việc bạn phải thực hiện thủ tục xác nhận nhu cầu nhập khẩu và xác nhận kê khai nhập khẩu với Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, với việc thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ nhiều điều trong Thông tư 58, quy trình KTCL theo Thông tư 58 không còn được áp dụng. Điều này có nghĩa là trong quá trình làm thủ tục Hải quan nhập khẩu, bạn không còn phải nộp "Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu" của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như "Bản kê khai thép nhập khẩu" của Vụ Công nghiệp nặng và "Giấy xác nhận nhu cầu nhập khẩu thép" của Sở Công Thương để thông quan hàng hóa.

Chứng nhận hợp quy hàng thép tròn - công ty thép Hòa Phát

Mẫu chứng nhận hợp quy hàng thép xây dựng

Thay vào đó, theo công văn số 945/TĐC-QL ngày 11/10/2017 của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, quy trình KTCL các sản phẩm thép nhập khẩu hiện được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN, được sửa đổi, bổ sung trong Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN.

Theo điều 5a sửa đổi, thủ tục KTCL nhập khẩu thép (trừ thép làm cốt bê tông) thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 sửa đổi của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN. Điều này có nghĩa là kết quả KTCL sẽ dựa trên kết quả tự đánh giá của người nhập khẩu, trừ khi có nghi ngờ về chất lượng thép nhập khẩu, khi đó sẽ thực hiện theo khoản 2 Điều 5 sửa đổi của thông tư này, kết quả KTCL sẽ dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận hoặc tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận.

Danh mục thép nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng:

Để biết lô hàng của bạn có thuộc danh mục thép nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng hay không, bạn có thể tra cứu trong Phụ lục của Quyết định 2711/QĐ-BKHCN năm 2022 của Bộ KH&CN, trong đó Mục 7, 8 và 11 liệt kê chi tiết những mã HS thuộc diện phải kiểm tra, cùng với tên hàng, tên Quy chuẩn QCVN và văn bán áp dụng, cùng với các biện pháp quản lý.

>> Tìm hiểu Danh mục thép phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu

Quy trình kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu:

  • Bước 1: Đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Chi cục TCĐLCL) và nhận lại bản đăng ký đã được xác nhận để nộp cho cơ quan Hải quan trong vòng 01 ngày làm việc.
  • Bước 2: Nộp kết quả tự đánh giá cho cơ quan kiểm tra (Chi cục TCĐLCL) trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa (theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN).

Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng bao gồm các chứng từ như Giấy “Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu,” Công bố hợp quy sản phẩm thép nhập khẩu, bản sao hợp đồng, danh mục hàng hóa, vận đơn, hóa đơn, giấy chứng nhận xuất xứ, tờ khai hàng hóa nhập khẩu, ảnh mẫu hàng hóa, chứng nhận lưu hành tự do CFS (nếu có) và mẫu nhãn hàng nhập khẩu đã được gắn dấu hợp quy.

>> Tìm hiểu chi tiết Quy trình kiểm tra chất lượng với hàng thép nhập khẩu

Thủ tục nhập khẩu thép hiện nay

Sau khi hoàn thành các bước công việc:

  1. Công bố tiêu chuẩn áp dụng,
  2. Công bố hợp quy, và
  3. Đăng ký kiểm tra chất lượng của cơ quan Nhà nước (chưa yêu cầu có kết quả kiểm tra),

khi đó nhà nhập khẩu đã có thể tiến hành làm thủ tục hải quan cho lô hàng thép của mình.

Làm thủ tục nhập khẩu thép tại cảng Hải Phòng
Vinalogs làm thủ tục nhập khẩu thép tại cảng Hoàng Diệu - Hải Phòng

Bộ hồ sơ cần nộp cho cơ quan Hải quan bao gồm:

  • Bản gốc giấy "Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu" có xác nhận đăng ký của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
  • Bản sao Công bố hợp quy sản phẩm thép nhập khẩu.
  • Các chứng từ khác có liên quan theo quy định, bao gồm: tờ khai hải quan nhập khẩu, hợp đồng (Sales contract), hóa đơn thương mại (Commercial invoice), danh sách hàng hóa (Packing list), vận đơn (Bill of Lading), giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin)...

Với việc hoàn thành toàn bộ các bước trên, quy trình nhập khẩu thép của bạn đã được thực hiện đầy đủ. Sau khi bạn xuất trình bộ hồ sơ đầy đủ và chuẩn chỉnh cho cơ quan Hải quan, lô hàng của bạn sẽ được thông quan. Lúc này bạn có thể đưa xe vào cảng kéo hàng về kho của mình (hàng rời hoặc hàng đóng container).

Xếp lên xe hàng thép nhập khẩu tại cảng Hải Phòng

Xếp hàng thép cuộn nhập khẩu từ cảng lên xe rơ-moóc

Mã HS và thuế nhập khẩu thép

Mặt hàng sắt thép nhập khẩu có nhiều mã HS khác nhau trong hệ thống biểu thuế xuất nhập khẩu. Mã HS của sắt thép được phân loại trong chương 72 của biểu thuế, trong khi các sản phẩm từ thép thuộc mã HS của chương 73.

Việc tra cứu mã HS khi thực hiện thủ tục nhập khẩu thép là một công đoạn quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách thuế và chính sách mặt hàng của lô hàng nhập khẩu.

Để có định hướng sơ bộ, bạn có thể tham khảo bảng tổng hợp mã nhóm mặt hàng thép trong phần dưới đây:

Phụ lục II Thông tư 58

  • Mã HS 7206: Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thỏi đúc hoặc các dạng thô khác (trừ sản phẩm có chứa sắt thuộc nhóm 72.03).
  • Mã HS 7207: Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm.
  • Mã HS 7208: Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên, được cán nóng, chưa phủ, mạ hoặc tráng. Thép tấm, thép cuộn cán nóng không hợp kim có thể tham khảo mã này.
  • Mã HS 7209: Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, cán nguội (ép nguội), chưa dát phủ, mạ hoặc tráng.
  • Mã HS 7210: Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng.
  • Mã HS 7212: Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim cán phẳng, có chiều rộng dưới 600 mm, đã phủ, mạ hoặc tráng.
  • Mã HS 7213: Sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng.
  • Mã HS 7214: Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác, mới chỉ qua rèn, cán nóng, kéo nóng hoặc ép đùn nóng, kể cả công đoạn xoắn sau khi cán.
  • Mã HS 7215: Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác.
  • Mã HS 7216: Sắt hoặc thép không hợp kim dạng góc, khuôn, hình.
  • Mã HS 7217: Dây của sắt hoặc thép không hợp kim.
  • Mã HS 7219: Các sản phẩm của thép không gỉ cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên.
  • Mã HS 7220: Các sản phẩm của thép không gỉ được cán phẳng, có chiều rộng dưới 600 mm.
  • Mã HS 7224: Thép hợp kim khác ở dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác; các bán thành phẩm bằng thép hợp kim khác.
  • Mã HS 7225: Thép hợp kim khác được cán phẳng, có chiều rộng từ 600 mm trở lên.
  • Mã HS 7226: Sản phẩm của thép hợp kim khác được cán phẳng, có chiều rộng dưới 600 mm.
  • Mã HS 7227: Các dạng thanh và que, của thép hợp kim khác, được cán nóng, dạng cuộn không đều.
  • Mã HS 7228: Các dạng thanh và que khác bằng thép hợp kim khác; các dạng góc, khuôn và hình, bằng thép hợp kim khác; thanh và que rỗng, bằng thép hợp kim hoặc không hợp kim.
  • Mã HS 7229: Dây thép hợp kim khác.
  • Mã HS 7306: Các loại ống, ống dẫn và thanh hình có mặt cắt rỗng khác, bằng sắt hoặc thép.

Phụ lục III

  • Mã HS 7207: Sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm.
  • Mã HS 7210: Các sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim được cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng.
  • Mã HS 7224: Thép hợp kim khác ở dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác; các bán thành phẩm bằng thép hợp kim khác.
  • Mã HS 7225: Sản phẩm của thép hợp kim khác được cán phẳng, có chiều rộng dưới 600 mm.
  • Mã HS 7306: Các loại ống, ống dẫn và thanh hình có mặt cắt rỗng khác, bằng sắt hoặc thép (ví dụ, nối mở, hàn, tán đinh hoặc ghép bằng cách tương tự).

Thuế nhập khẩu loại hàng thép

Ngoài thuế nhập khẩuthuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành, các mặt hàng thép nhập khẩu (tùy theo Mã HS) có thể còn chịu các loại khác như thuế tự vệ thuế chống bán phá giá. Cụ thể như sau:

  • Thuế tự vệ theo Quyết định 2968/QĐ-BCT, công văn 10704/BCT-QLCT và 1099/BCT-QLCT đối với hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.
  • Thuế chống bán phá giá theo Quyết định 1656/QĐ-BCT ngày 29/4/2016 của Bộ Công thương đối với một số mặt hàng thép không gỉ cán nguội dạng cuộn hoặc dạng tấm nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan.
  • Thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu theo Quyết định số 1105/QĐ-BCT ngày 30/3/2017 của Bộ Công thương.
  • Thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép hình chữ H có xuất xứ từ Trung Quốc theo Quyết định số 957/QĐ-BCT ngày 21/03/2017 của Bộ Công thương.
  • Thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cán nguội (ép nguội) dạng cuộn hoặc tấm có xuất xứ Trung Quốc theo Quyết định số 3390/QĐ-BCT ngày 21/12/2020 của Bộ Công thương.

Các quyết định trên có hướng dẫn chi tiết về mã HS của các sản phẩm thép nhập khẩu và các mức thuế áp dụng tương ứng. Do đó, các bạn có thể tham khảo và so sánh với mặt hàng cụ thể mà mình nhập khẩu để xác định được thuế suất.

>> Tìm hiểu thêm về Thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu

Kiện chống bán phá giá hàng thép nhập khẩu

Trong quá khứ đã có nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu. Sau khi điều tra, cơ quan chuyên ngành của Bộ công thương đã ra các quyết định áp thuế chống bán phá giá, như trên đã đề cập.

Thép mạ nhập khẩu

Đến giữa năm 2024, đang diễn ra các vụ kiện tương tự đối với một số sản phẩm thép, cụ thể như sau:

  • Thép mạ (GI) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, mã vụ việc AD19, do nhóm 5 doanh nghiệp thép yêu cầu điều tra: Hoa Sen, Nam Kim, Phương Nam, Tôn Đông Á, China Steel & Nippon Steel VN.
  • Thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, mã vụ việc AD20, do 2 doanh nghiệp nộp đơn khởi kiện: Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa Hà Tĩnh.

Đến đầu tháng 8/2024 vụ việc đang trong quá trình điều tra và chưa có kết quả từ Bộ công thương. Nếu kết quả diễn ra theo hướng của bên khởi kiện, thì khả năng sẽ có quyết định áp thuế chống bán phá giá cho các dòng hàng này.

Vinalogs sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Quy định pháp luật liên quan đến hàng sắt thép nhập khẩu

Dưới đây là các văn bản quy định quan trọng có liên quan đến nhóm mặt hàng sắt thép nhập khẩu, một số đã được nhắc tới trong phần trên của bài viết. Vinalogs tổng hợp lại cho có tính hệ thống, để bản thân chúng tôi cũng như bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu tham khảo. Khi có văn bản mới áp dụng, chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật ngay khi có thể.

  • Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
  • Thông tư 18/2017/TT-BCT bãi bỏ một số điều của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN.
  • Quyết định 3810/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2017 của Bộ KHCN, ban hành Danh mục hàng hóa nhập khẩu nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan. Mục 7, 8, 11 nêu chi tiết về nhóm hàng thép.
  • Quyết định số 3115/QĐ-BHKCN ngày 13/11/2020 của Bộ KHCN bổ sung sửa đổi Quyết định 3810 (nêu trên).
  • (Với hàng nhập khẩu qua cảng Hải Phòng) Thông báo số 01/TT-CCTĐC ngày 02/01/2020 của Sở khoa học công nghệ Thành phố Hải Phòng: về việc bắt buộc đăng ký mới và thực hiện trên Hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia, hình thức trực tuyến (online).
  • Thông tư 28/2012/TT-BKHCN (sửa đổi trong thông tư 02/2017/TT-BKHCN) về công bố hợp chuẩn, hợp quy.
  • Quyết định 2711/QĐ-BKHCN năm 2022 về danh mục thép nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng
  • Quyết định 691/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép dài nhập khẩu

Việc tra cứu, tuân thủ các quy định liên quan rất quan trọng đối với nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, do tính chất hàng hóa có liên quan đến nhiều văn bản, nên chủ hàng cũng cần thường xuyên để ý và nắm bắt các quy định đang và sắp có hiệu lực, để bảo vệ cho lợi ích của mình.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn các bước công việc cần thực hiện để nhập khẩu mặt hàng sắt thép các loại, gồm cả thép không gỉ, thép mạ kẽm (GI/GL), thép hợp kim, thép tròn, thép tấm, thép chữ I H V Y...

Nói chung, quá trình làm thủ tục nhập thép cũng khá phức tạp, cần phải tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện nhập khẩu. Vì vậy, nếu bạn định nhập khẩu thép về Việt Nam và cần giải thích rõ hơn quy trình thủ tục, hãy liên hệ với Vinalogs để được tư vấn thêm. Chúng tôi sẵn lòng giúp bạn trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu thép, đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành mà chúng tôi đang phục vụ khách hàng của mình.

Bạn cần dịch vụ thông quan, vận chuyển?

Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ
zalo icon