Incoterms là gì, ứng dụng như thế nào trong XNK?

Các bạn làm xuất nhập khẩu sẽ tiếp xúc thường xuyên với các tập quán thương mại quốc tế, thường được đề cập đến với thuật ngữ là Incoterms. Để thuận lợi trong công việc, bạn cần hiểu rõ khái niệm Incoterms là gì, có những điều khoản nào, phân chia trách nhiệm và chi phí như thế nào giữa các bên…

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải quyết từng thắc mắc một cách chi tiết, cụ thể.

Trước hết là khái niệm…

Incoterms là gì?

Incoterms là viết tắt của thuật ngữ tiếng Anh đầy đủ International Commercial Terms, nghĩa là các điều khoản thương mại quốc tế. Đây là tập hợp các quy tắc phổ biến, quy định rõ địa điểm giao hàng cũng như về việc phân chia trách nhiệm, rủi ro, chi phí giữa bên mua và bên bán trong quan hệ giao thương quốc tế.

Bộ tài liệu này do Phòng thương mại quốc tế (ICC) soạn thảo và ban hành, được tập hợp và chia thành 4 nhóm (C, D, E, F). Trong mỗi nhóm lại gồm các điều kiện (terms) cụ thể ít nhiều có sự tương đồng. Mỗi điều kiện được ký hiệu bằng 3 chữ cái viết tắt của cụm từ mô tả khái quát điều kiện đó, chẳng hạn như FOB là viết tắt của Free On Board, hay DDPDelivered Duty Paid.

Các quy tắc này mô tả 3 yếu tố chính:

  1. Trách nhiệm: Bên nào làm việc gì, chẳng hạn ai thu xếp việc thuê phương tiện vận tải, ai mua bảo hiểm hàng hóa, hay làm thủ tục thông quan xuất khẩu.
  2. Rủi ro: Bên bán giao hàng tại đâu, đồng nghĩa với chuyển giao rủi ro cho bên mua tại địa điểm nào. Ví dụ điều khoản FOB có quy định: người bán giao hàng qua lan can tàu là xong trách nhiệm và rủi ro chuyển sang cho người mua từ thời điểm và vị trí đó.
  3. Chi phí: Bên nào chịu chi phí cụ thể gì. Ví dụ: điều kiện CFR nêu rõ người bán chịu chi phí vận tải biển.

Để dễ hình dung và tiện tra cứu, chúng ta có thể xem sơ đồ về việc phân chia và chuyển giao trách nhiệm, rủi ro, chi phí giữa các bên theo Incoterms 2010.

Incoterms 2010

Và dưới đây là phân chia trách nhiệm, rủi ro, chi phí giữa các bên theo Incoterms 2020.

Incoterms 2020

Xem thảo luận thêm về các phiên bản Incoterms trong phần sau của bài viết.

Tại sao cần Incoterms?

Bởi văn bản này giúp ích rất nhiều trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế.

Nếu không dùng Incoterms, thì các bên sẽ phải đàm phán từng chi tiết về quyền và nghĩa vụ các bên liên quan đến phân định rủi ro, chi phí giữa người mua và người bán ở các quốc gia khác nhau. Trong hoạt động giao thương, sự khác nhau về ngôn ngữ, tập quán quốc tế sẽ rất dễ dẫn tới hiểu nhầm, hiểu sai khi phải thảo luận nhiều chi tiết tỉ mỉ (nhưng quan trọng), chưa kể cần nhiều thời gian công sức khi đàm phán.

Chính vì thế, khi có các điều khoản đã được chuẩn hóa và thừa nhận rộng rãi, và được pháp luật quốc gia công nhận, thì các bên tham gia chỉ cần trích dẫn ngắn gọn tên điều khoản Incoterms là coi như đã thương thảo xong các nội dung chi tiết đã có sẵn trong văn bản Incoterms.

Đó chính là tầm quan trọng của việc hiểu và ứng dụng các điều khoản này. Và cũng là câu trả lời cho câu hỏi Tại sao cần Incoterms.

Vậy…

Incoterms có bắt buộc không?

Incoterms là tập quán thương mại nên việc áp dụng là không bắt buộc, mà là sự tự nguyện giữa các bên cùng nhất trí áp dụng các nội dung đã được soạn thảo sẵn theo từng điều khoản cụ thể.

Nghĩa là, nếu trong hợp đồng ngoại thương thống nhất dùng 1 điều khoản cụ thể nào đó, thì chỉ cần đề cập tên điều khoản và phiên bản Incoterms, chẳng hạn "FOB Haiphong - Incoterms 2010". Khi đó, trừ khi có thỏa thuận khác ghi rõ trong hợp đồng, mặc nhiên nội dung của điều kiện đã lựa chọn được sử dụng cho hợp đồng đó. Điều này giúp các bên hiểu nhanh và rõ ràng địa điểm giao hàng, chuyển giao rủi ro, cũng như trách nhiệm của mỗi bên, mà không cần thảo luận lại.

Có cần ghi phiên bản cụ thể của Incoterms không?

Câu trả lời là rất cần. Hiện tại các phiên bản đang cùng có hiệu lực, và có sự khác nhau ít nhiều giữa các văn bản đó. Do đó, nếu không ghi rõ phiên bản cụ thể thì sẽ rất dễ dẫn tới hiểu nhầm và phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, thậm chí kiện tụng lẫn nhau.

Incoterms có những phiên bản nào?

Phiên bản đầu tiên được Phòng thương mại quốc tế (ICC - International Chamber of Commerce) phát hành vào năm 1936, trước đó đã có nghiên cứu công bố từ năm 1923. Sau đó ICC bổ sung và điều chỉnh trong phiên bản vào các năm 1953, 1967, 1976, 1980, 1990, 2000, 2010, và gần đây nhất là phiên bản thứ 9 vào năm 2020.

Các bản đều có hiệu lực và có giá trị pháp lý ngang nhau. Khi được chọn và ghi rõ trong hợp đồng mua bán phiên bản nào, thì văn bản đó được áp dụng.

The Journey To Incoterms 2020

Hiện bản Incoterms 2010 và 2020 đang được áp dụng rất phổ biến trong mua bán quốc tế. Bản trước đó là 2000 đã dần ít được dùng, mặc dù các bên vẫn hoàn toàn có thể thỏa thuận để áp dụng.

Phiên bản Incoterms mới nhất là Incoterms 2020 (Xem tóm tắt tại đây)

Để hiểu rõ và có thể tham khảo khi cần, bạn nên sử dụng các tài liệu in của từng ấn bản. Các cuốn Incoterms được phát hành dưới sách in, dạng các quyển có kích thước nhỏ rất tiện dùng. Tất nhiên cũng có dạng eBook để tiện lưu trữ và tra cứu trên mobile.

Incoterms 2020

Incoterms 2000, 2010, 2020 có gì khác nhau?

Nhìn vào hình dưới để hình dung những khác biệt chính về số lượng và sự thay đổi của 1 số điều khoản giữa các phiên bản kế tiếp nhau.

Sự thay đổi của Incoterms qua các thời kì

Từ sơ đồ trên có thể thấy có thể thấy 1 số thay đổi rõ rệt. Cụ thể, từ năm 2000 sang 2010, số điều kiện giảm từ 13 xuống 11. Điều kiện DEQ chuyển thành DAT, và 3 điều khoản DAF, DES, DDU chuyển thành DAP. Những quy tắc còn lại giữ nguyên tên.

Còn từ 2010 sang bản 2020, vẫn giữ số lượng 11 điều kiện, nhưng DAT chuyển thành DPU. Những điều kiện khác giữ nguyên tên.

Về số lượng và tên gọi các điều kiện thì khá dễ nhận biết và phân biệt.

Nhưng câu hỏi khó hơn là: liệu cùng 1 điều khoản, chẳng hạn như CIF, nội dung có gì thay đổi giữa các thời kỳ hay không? Cụ thể, CIF của năm 2000, 2010, và 2020 có khác gì nhau hay không? Câu hỏi tương tự cho những điều khoản khác cùng xuất hiện trong 3 phiên bản Incoterms nêu trên.

Để có câu trả lời, bạn tìm hiểu thêm trong bài So sánh Incoterms 2000 và 2010.

Các điều kiện Incoterms phổ biến

Các phiên bản Incoterms có sự khác nhau ít nhiều về số lượng các điều kiện. Nội dung của 1 điều kiện trong các phiên bản cũng có thể thay đổi ít nhiều. Dưới đây là 1 số các điều kiện Incoterms phổ biến được sử dụng trong nhiều phiên bản (tham khảo bản Incoterms mới nhất 2020):

  • ExW - ExWork: Giao hàng tại xưởng
  • FCA - Free Carrier: Giao cho người chuyên chở
  • FAS - Free Alongside Ship: Giao dọc mạn tàu
  • FOB - Free On Board: Giao hàng trên tàu
  • CFR - Cost and Freight: Tiền hàng và cước phí
  • CIF - Cost Insurance & Freight: Tiền hàng, bảo hiểm và cước phí
  • CPT - Carrage Paid To: Cước phí trả tới
  • CIP - Cost Insurance Paid to: Cước phí và bảo hiểm trả tới
  • DAP - Delivered At Place: Giao tại địa điểm
  • DDP - Delivered Duty Paid: Giao hàng đã trả thuế

Nên lựa chọn điều khoản Incoterms nào?

Khó có câu trả lời chính xác, chủ yếu bạn cân nhắc lựa chọn điều khoản nào có lợi nhất và khả thi khi đàm phán hợp đồng với đối tác.

Lời khuyên mà nhiều người được nghe là nên “mua FOB bán CIF”. Điều đó cũng có cơ sở và đem lại những lợi ích nhất định. Tuy nhiên điều đó không phải luôn đúng cho mọi trường hợp, nó còn tùy thuộc rất nhiều vào bối cảnh cụ thể của bạn và công ty bạn.

Điều khoản nào cũng có ưu nhược điểm, chủ yếu bạn mong muốn và có thể đàm phán được quy tắc nào mà thôi. Lấy ví dụ: Bạn muốn mua theo điều khoản FOB để chủ động việc thu xếp tàu và (có thể) tiết kiệm được 1 phần chi phí cho việc này. Tuy vậy, bạn là doanh nghiệp nhỏ với đơn hàng ít, trong khi người bán là tập đoàn lớn của nước ngoài và họ muốn bán giá CIF với một số ưu đãi (hơn giá FOB). Khi đó gần như bạn phải theo điều kiện mà đối tác kia lựa chọn.

Vậy câu hỏi nên chọn điều khoản Incoterms nào chỉ phù hợp nếu bạn được quyền lựa chọn. Và khi đó, nếu bạn muốn thêm quyền chủ động và kiểm soát cho lô hàng và tiết kiệm chi phí (và góp phần thu ngoại tệ cho đất nước), thì ưu tiên chọn những điều kiện nhóm E, F hơn C, D. Ngược lại, nếu bạn ngại rủi ro và sẵn sàng chịu chi phí, thì nên ưu tiên dùng nhóm D, C hơn.

Để hiểu rõ hơn nghĩa vụ và rủi ro của từng bên, bạn nên tìm hiểu chi tiết từng điều khoản cụ thể, có lưu ý đến phiên bản Incoterms năm nào. Trong bài viết này có đặt đường liên kết đến một số bài viết liên quan để thuận tiện cho bạn tìm đọc. Chúng tôi sẽ dành thời gian để bổ sung các điều khoản còn thiếu, để có thể xây dựng được 1 bộ cẩm nang về Incoterms cho chính đội ngũ chúng tôi và cũng chia sẻ cho mọi người có quan tâm cùng đọc.

Trên đây là những nội dung liên quan đến Incoterm. Hy vọng giúp ích cho bạn trong việc ứng dụng những quy tắc thương mại này vào hoạt động xuất nhập khẩu hay giao nhận vận chuyển quốc tế. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi. Nếu có nhu cầu được tư vấn hoặc sử dụng dịch vụ giao nhận vận chuyển, vui lòng liên hệ với chúng tôi.

zalo icon